fbpx
Chuyện Tình Yêu

Những sai lầm KINH ĐIỂN sau chia tay khiến bạn khổ đau không lối thoát

06/01/2019

Kết thúc một mối quan hệ luôn là điều khó khăn và càng khó khăn gấp bội khi bạn không phải là người quyết định đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ ấy. Sự tức giận khiến bạn có những hành động thiếu suy nghĩ, để rồi những hành động ấy không chỉ khiến bạn cảm thấy tệ hơn sau đó, mà còn ngăn cản bạn bắt đầu một mối quan hệ mới vui vẻ và hạnh phúc hơn.

Dưới đây là những điều chúng ta vẫn thường làm sau chia tay và nghĩ rằng chúng hết sức bình thường nhưng lại không ngờ rằng chúng chính là “thủ phạm” khiến mình khổ đau không lối thoát.

1. Quá kích động

Khi ai đó rời xa bạn, bạn sẽ cảm thấy rất tệ. Sự kích động nhất thời sẽ khiến bạn nói với họ mọi thứ bạn nghĩ trong đầu. Khi tức giận, chúng ta thường nói những lời thô lỗ và xúc phạm. Chúng ta vứt bỏ mọi thứ liên quan tới họ và hành động như thể chính chúng ta mới là người có ý muốn chia tay. Có vẻ như hành động này sẽ cứu vớt chút hình ảnh của bạn, nhưng không, nó chỉ làm mọi thứ tệ hơn. 

Cơn tức giận sẽ sớm kết thúc và nếu bạn đã nói những lời không nên nói, bạn chỉ cảm thấy xấu hổ thêm. Thậm chí, bạn có thể nghĩ rằng, người yêu bạn quyết định rời đi chỉ vì bạn đã thô lỗ với họ. Bạn bắt đầu tự trách mình và cố gắng sửa chữa điều đó. Bạn có thể làm những điều vô lý hơn nữa và khiến mình trở nên “ngớ ngẩn” hơn.

2. Giãi bày hết cảm xúc lần cuối

Khi người ấy quyết định chia tay, bạn sẽ cảm thấy bất ngờ và khó lòng chấp nhận. Bạn sẽ cố gắng giải thích bạn yêu họ ra sao bằng những lá thư dài dằng dặc với lời lẽ “đao to búa lớn” hoặc những cuộc gọi “khóc lóc, kể lể” khi đã ngà ngà say. Bạn nghĩ rằng nếu người ấy hiểu được bạn yêu họ nhiều đến thế nào, họ sẽ quay lại với bạn. 

Vấn đề ở đây là người ấy không còn yêu bạn nữa. Hành động của bạn sẽ chỉ khiến họ mang mặc cảm tội lỗi. Kết quả là, họ sẽ cố gắng tránh xa bạn và bạn sẽ càng thêm khổ sở vì điều đó.

3. Đồng ý làm bạn

Sau chia tay, người ấy có thể đề nghị cả hai hãy làm bạn, thay vì người yêu. Họ đề nghị như thế vì cảm thấy có lỗi hoặc vì ích kỷ, họ muốn giữ một người rất yêu họ ở bên cạnh.  

Đồng ý trở thành bạn bè sau chia tay thì chuyện tình của hai người sẽ không thể kết thúc. Bạn sẽ nuôi hy vọng để bắt đầu lại tình yêu ấy. Nhưng điều này hầu như không xảy ra và nó sẽ khiến bạn khổ đau thêm, ngày từng ngày.

4. “Chia tay đòi quà”

Một số người tức giận sau khi chia tay. Họ cảm thấy bị lợi dụng và họ muốn được bồi thường. Họ có thể yêu cầu đối phương trả lại những món quà mình đã tặng mà không hề nghĩ hình ảnh của mình sẽ xấu đi trong mắt người kia. 

Hành động như vậy nghĩa là bạn đã không tôn trọng bản thân. Và đối phương sẽ kể cho người khác nghe về bản tính xấu xí của bạn. Càng nhiều người biết, bạn càng bị đem ra “mổ xẻ”. Hãy để quá khứ ngủ yên và giữ lại hình ảnh đẹp trong mắt người yêu cũ mỗi khi nhớ về bạn: Một người đã từng yêu thương và hết lòng quan tâm đến họ.

5. Tìm mọi cách để liên lạc trở lại

Những cuốn sách, chiếc áo khoác mà bạn để quên hay những món quà vẫn chưa có dịp để tặng… thường là những cái cớ để chúng ta có thể liên lạc với người yêu cũ. 

Việc liên tục chú ý đến người yêu cũ sẽ khiến bạn cảm thấy họ vô cùng quan trọng, thậm chí quan trọng hơn cả lúc hai người vẫn còn yêu nhau. Có thể bạn sẽ không nhận ra điều này ngay từ đầu, nhưng sau một thời gian, bạn sẽ phát hiện bạn chẳng muốn hẹn hò với ai cả vì không cách nào xóa bỏ hình bóng người cũ ra khỏi tâm trí.

6. Cố gắng tác động vào người quen của cả hai

Nếu bạn vẫn còn nhiều điều chưa thể nói, bạn sẽ tâm sự với bạn bè chung hoặc những người gần gũi với cả hai để tìm sự đồng cảm. Bạn nghĩ rằng tâm sự với mẹ hoặc bạn thân của người yêu cũ sẽ giúp bạn cứu vãn mối quan hệ của mình. Nhưng điều này thường không hiệu quả.

Người yêu cũ sẽ cảm thấy bạn đang ép họ, đặc biệt là khi bạn bè hay người thân đề nghị họ quay lại với bạn. Áp lực sẽ khiến họ càng tránh xa bạn hơn. Cũng có khả năng là sẽ không ai “giúp” bạn tác động đến họ, vì vậy bạn sẽ chỉ lãng phí thời gian vô ích.

7. Than vãn trên mạng xã hội

Bạn muốn đối phương biết rằng bạn yêu họ rất nhiều và đã đau khổ đến thế nào khi rời xa họ. Những bài hát, những hình ảnh buồn được bạn liên tục cập nhật, nhưng chúng chỉ khiến tâm trạng bạn thêm tồi tệ. 

Thay vì than vãn trên mạng xã hội, bạn hãy tìm đến sự giúp đỡ của người thân và bạn bè. Việc than vãn như vậy chỉ khiến mọi người cười chê bạn mà thôi.

8. Cãi nhau với “người yêu mới của người yêu cũ”

Chỉ một tuần sau chia tay, người yêu cũ của bạn đã có người mới? Bạn muốn nói chuyện với người mới ấy, nhất là khi bạn nghĩ rằng tình yêu của bạn chỉ tạm “nghỉ ngơi” chứ không phải kết thúc. 

Bạn đang lãng phí thời gian tìm hiểu xem người yêu mới của người yêu cũ như thế nào thay vì dành thời gian cho chính mình. Sự tò mò biến thành một “nỗi ám ảnh” và bạn bắt đầu săm soi, bới móc khuyết điểm của họ. Bạn cứ lãng phí thời gian vào những điều vô nghĩa, còn họ thì cứ sống tiếp đời mình và cười vào mặt bạn. Thay vì vậy, bạn hãy sống thật tốt và dành nhiều thời gian hơn cho bản thân.

9. Cố phân tích lý do chia tay

Khi đối phương chia tay bạn mà không đưa ra một lý do rõ ràng và bạn nghĩ rằng chỉ cần cả hai ngồi lại với nhau, giải tỏa hết khúc mắc ở trong lòng thì có thể cứu vãn mọi chuyện. 

Việc cố phân tích lý do chia tay và thuyết phục đối phương thay đổi suy nghĩ là khá vô nghĩa. Nhiều khi, lỗi không nằm ở bạn, mà chỉ đơn giản là họ không còn yêu bạn và không muốn tiếp tục mối quan hệ này nữa mà thôi.  

Những việc bạn nên làm sau chia tay: 

  • Chơi thể thao. 
  • Học tập, làm việc, tìm kiếm một sở thích mới. 
  • Nói chuyện với mọi người nhiều hơn và gặp gỡ người mới. 
  • Bỏ hết tất cả những thứ khiến bạn nhớ đến người cũ. 
  • Tránh bàn luận về mối quan hệ ấy với bạn bè và người thân. 

Thay vì làm những điều tiêu cực, hãy làm những điều tích cực, bạn sẽ rút ngắn thời gian “chữa lành vết thương”. 

Điều gì đã giúp bạn sau chia tay? Hãy chia sẻ với chúng tôi kinh nghiệm của bạn bằng cách bình luận bên dưới bài viết.

You Might Also Like

No Comments

Leave a Reply