fbpx
Chuyện Cuộc Đời Chuyện hay ý nghĩa

Bí mật bạn chưa biết – 4 giai đoạn của cuộc đời

21/01/2019
https://www.youtube.com/watch?v=LKL2WzIwJOw

Đã bao giờ, bản thân bạn lên tiếng hỏi: “Bạn sinh ra để làm gì? Điều đó có ý nghĩa gì cho cuộc sống này? Và đến cuối đời bạn đã thực sự thỏa mãn về con người bạn đã từng sống hay chưa?”

Khi đọc xong bài viết này, bạn sẽ tự có thể nhận ra mình đang ở giai đoạn nào (hoặc đang bị vướng ở giai đoạn nào) để rồi có thể tiếp tục (hoặc thoát ra khỏi đó).

Bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau bắt đầu các bạn nhé!

Giai đoạn thứ nhất: Bắt chước

Khi chúng ta được sinh ra, chúng ta không thể tự làm được điều gì cả. Chúng ta không biết nói chuyện, không biết đi, cũng chẳng thể tự ăn được,… Cái gì cũng phải để người lớn giúp.

Khi là những đứa trẻ, chúng ta học bằng cách quan sát. Nhìn những người khác làm và rồi chúng ta bắt chước theo.

Điều cơ bản đầu tiên chúng ta học là những kỹ năng đơn giản như nói chuyện, đi lại, chạy,…

Rồi sau đó, ở thời kỳ thơ ấu, chúng ta học để thích nghi với văn hóa xung quanh chúng ta bằng cách quan sát những phong tục, luật lệ quanh mình và ứng xử sao cho mọi người xung quanh có thể chấp nhận.

Mục tiêu của giai đoạn này là dạy cho chúng ta cách hòa nhập vào xã hội để chuẩn bị cho giai đoạn trưởng thành của mình.

Khi còn nhỏ, chúng ta cần tới sự hỗ trợ của người lớn trong việc đưa ra các quyết định. Thế nhưng, một thực tế ở giai đoạn này, là những người được cho là trưởng thành và cộng đồng xung quanh thường cản trở sự độc lập trong chúng ta. Và làm cho chúng ta bị “tắc” ở đâu đó.

Những suy nghĩ của chúng ta thường không được ủng hộ. Việc ra quyết định bị kìm hãm, và bởi vậy chúng ta không phát triển khả năng độc lập của mình được.

Chúng ta bị “tắc” ở giai đoạn này vì không ngừng phải quan sát, mô phỏng lại những người xung quanh và làm vừa lòng họ để chúng ta khỏi bị “phán xét”.

Với một cá nhân thông thường, giai đoạn này thường sẽ kết thúc vào cuối thời thanh niên và sang giai đoạn đầu của quá trình trưởng thành (thường là ở độ tuổi 18 đến 20).

Tuy nhiên, có một số người có thể sẽ phải kéo dài giai đoạn này hơn ở suốt độ tuổi trưởng thành.

Thậm chí là có người ngoài 40 tuổi, một ngày nào đó chợt thức giấc và nhận ra rằng, mình chưa thực sự sống cho chính mình. Và tự hỏi là chuyện gì đã xảy ra trong suốt những năm tháng mình trải qua…

Ở giai đoạn thứ nhất này, chúng ta tạm gọi là giai đoạn của sự mô phỏng, sự liên tục tìm kiếm những giá trị bên ngoài nhằm được chấp nhận và cảm thấy mình có giá trị. Là một hiện tượng thường thấy, và chúng ta thiếu đi khả năng suy nghĩ độc lập, cùng với những giá trị cá nhân rất riêng của mình.

Chúng ta buộc phải ý thức được những tiêu chuẩn giá trị, những kỳ vọng của những người xung quanh. Nhưng chúng ta cũng bắt đầu nhận ra mình có ý thức về một tiếng nói khác trong mình, rằng mình cần mạnh mẽ đủ để hành động theo những tiêu chuẩn và kỳ vọng của chính mình. Nếu đó là điều cần thiết.

Lúc bấy giờ, chúng ta mơ hồ cảm thấy rằng, mình cần phải phát triển khả năng hành động bởi chính năng lực của mình và cho chính mình.

Giai đoạn thứ hai: Khám phá và tái khám phá

Ở giai đoạn này, chúng ta học những điều khiến cho chúng ta thấy mình khác biệt so với những người xung quanh. Thậm chí với văn hóa xung quanh chúng ta.

Đòi hỏi chúng ta phải bắt đầu ra quyết định cho chính bản thân mình, thử nghiệm khả năng của chính mình, thấu hiểu bản thân, thấu hiểu những điều khiến cho chúng ta khác biệt và có sự độc nhất.

Giai đoạn thứ hai diễn ra rất nhiều quá trình thử nghiệm, tẩy xóa lỗi.

Chúng ta kinh nghiệm với việc sống ở những vùng đất khác nhau, giao lưu với những người mới, trải qua nhiều công việc khác nhau,…

Chúng ta thử những điều mới (dĩ nhiên là cũng có những thứ thì ổn và không ổn). Nhưng mục tiêu của chúng ta là chúng ta sẽ bám chặt với một vài mục đích nào đó mà chúng ta thấy ổn và chúng ta tiếp tục phát triển trong tương lai.

Giai đoạn này sẽ kéo dài cho tới khi chúng ta “vấp” phải những giới hạn của bản thân mình.

Và cảm giác ban đầu khi chúng ta phải đối diện với những giới hạn này không mấy dễ chịu. Rồi đến một ngày bạn nhận ra rằng, khám phá ra giới hạn bản thân là một điều thật tốt đẹp và có ích cho mình.

Chắc hẳn, các bạn sẽ đồng ý với mình là chúng ta sẽ luôn rất sợ ở một vài điều nào đó dù chúng ta có cố gắng bao nhiêu đi nữa. Và chúng ta cần phải biết đó là những điểm nào.

Ví dụ, mình thì mình rất sợ môn Văn vì khả năng viết văn của mình rất là dở tệ, rất hiếm khi mình viết sang tờ giấy đôi thứ hai nếu không sử dụng sách học tốt,… Và cho đến giờ mình vẫn sợ nó vì chẳng biết viết gì.

Thế còn những giới hạn của các bạn thì sao?

Những giới hạn của bản thân rất là quan trọng. Cả bạn và mình rồi đến một lúc nào đó sẽ nhận ra rằng thời gian của chúng ta trên cuộc đời này rất ngắn. Vì vậy, chúng ta phải dành nó cho những vấn đề quan trọng nhất với chúng ta.

Sẽ có một số người không bao giờ cho phép bản thân mình cảm thấy những giới hạn. Có thể bởi vì, họ từ chối thừa nhận những thất bại của mình hay bởi vì họ đã giữ một niềm tin rằng, bản thân mình có thể phát triển không giới hạn và những giới hạn là điều gì đó không tồn tại.

Tất cả chúng ta đều phải thừa nhận một thực tế không thể nào tránh khỏi, đó là cuộc sống này rất ngắn ngủi. Không phải tất cả những ước mơ của chúng ta sẽ để thành hiện thực. Vì vậy, chúng ta sẽ phải lựa chọn cẩn thận một vài điều tốt nhất, quan trọng nhất với chúng ta. Và cam kết với chúng.

Những người bị “tắc” ở giai đoạn này dành phần lớn thời gian của mình để thuyết phục bản thân theo cách ngược lại. Là dùng khả năng của họ không giới hạn, rằng họ có thể vượt qua mọi thứ, rằng cuộc sống của họ là không ngừng phát triển, luôn luôn vươn tới mọi chân trời mới.

Nhưng thật ra, những người khác cũng có thể thấy rõ rằng họ đang chạy tại chỗ.

Họ liên tục khám phá và tái khám phá bản thân, nhưng có lúc họ lại quá thất vọng vì cảm giác trống rỗng. Và cuối cùng, họ lại không tìm tìm thấy gì cả.

Thường giai đoạn này chúng ta có thể thấy khi chúng ta ngoài 20 và ở giữa độ tuổi 30.

Đó là lúc chúng ta bùng nổ về ý tưởng khám phá bản thân và thế giới xung quanh mình.

Giai đoạn thứ ba: Cam kết

Một khi chúng ta vấp phải những ranh giới cá nhân và khám phá ra những giới hạn của bản thân, lúc đó chúng ta sẽ nhận ra hai điểm cơ bản.

Thứ nhất, đó là những gì chúng ta thực sự quan trọng.

Thứ hai, đâu là tài năng thực sự của chúng ta.

Và đến giai đoạn này, chúng ta đã có những lựa chọn khôn ngoan hơn để định vị bản thân và cuộc sống của chính mình.

Nhiều người sẽ nhận ra rằng, giai đoạn thứ ba mới thực sự là giai đoạn củng cố vĩ đại nhất trong một đời người. Lúc này, chúng ta mới rời bỏ những người bạn hay những mối quan hệ đang níu giữ cuộc đời chúng ta lại.

Chúng ta sẽ từ bỏ những hoạt động, những thói quen, những thú vui giải trí tiêu tốn thời gian một thiếu lý trí của tuổi trẻ.

Chúng ta cũng bỏ đi những giấc mơ xưa cũ mãi mãi không bao giờ thành hiện thực để rồi chúng ta dồn mọi tâm trí vào những gì tốt nhất cho chúng ta. Những gì chúng ta cảm thấy mình tuyệt nhất, giỏi nhất, hạnh phúc nhất khi làm.

Chúng ta tập trung hoàn toàn vào công việc chúng ta yêu thích, bất kể đó là việc gì.

Chúng ta tập trung vào một nhiệm vụ cốt lõi của cuộc đời mình, vào những mối quan hệ quan trọng nhất với mình.

Bất kể đó là điều gì, chúng ta tập trung, dồn mọi tâm sức vào việc đó cho đến khi nó được hoàn thành.

Giai đoạn thứ ba của cuộc đời, chúng ta cực đại hóa khả năng của bản thân mình. Tất cả là để xây dựng nên một câu chuyện, một thứ gì đó có giá trị về di sản, tầm ảnh hưởng, kỷ niệm mà chúng ta để lại sau này.

Điều gì chúng ta để lại khi chúng ta ra đi, những người xung quanh, và quan trọng hơn là những người thân nhất của chúng ta sẽ nhớ về chúng ta như thế nào.

Bất kể đó là điều gì và bạn định hướng của con người bạn ra sao. Là một người vĩ đại sáng tạo ra một sản phẩm có sức ảnh hưởng lớn tới thế giới này hay là một người tuyệt vời trong chính gia đình của mình. Thì giai đoạn thứ ba để lại cho thế giới một di sản khác biệt về chúng ta và câu chuyện của chúng ta.

Giai đoạn thứ ba sẽ kết thúc khi có sự kết hợp của hai điều này xảy ra.

Thứ nhất, đó là khi chúng ta trải qua mọi thứ và có cảm nhận rằng chúng ta không còn nhiều thứ cần thiết nữa phải hoàn thành.

Thứ hai, đó là chúng ta đã già, sức khỏe của chúng ta không còn như xưa, đã đến lúc mọi thứ mà chúng ta tìm thấy và muốn làm là uống một ly trà hay bất cứ một thức uống nào đó mà chúng ta thích, làm một vài công việc vườn cây, ao cá,… tận hưởng tuổi già của mình theo cách mà mình đã từng mong ước.

Và khi đó, chúng ta sẽ bước sang giai đoạn thứ tư.

Giai đoạn thứ tư: Di sản

Những người bước vào giai đoạn thứ tư thường đã dành hơn nửa thế kỷ để đầu tư vào chính bản thân họ. Đầu tư vào những gì họ tin tưởng là quan trọng và có ý nghĩa với họ.

Họ đã cống hiến, làm việc, thực hiện những công việc tuyệt vời, đạt được những thứ có giá trị với họ. Bất kể đó là việc gì.

Tuổi trẻ họ ao ước thì đến giờ họ đã hoàn thành, và họ đã đến giai đoạn mà tuổi tác, sức khỏe, nguồn năng lượng sống và cả hoàn cảnh nữa không cho phép họ có thể đạt được điều gì đó cao hơn, xa hơn.

Mục tiêu của giai đoạn này không còn là tạo ra những di sản nhiều nhất trong mức có thể nữa mà đơn giản là giữ gìn những di sản đó trước khi kết thúc chặng “hành trình” của mình.

Điều này có thể đơn thuần là chăm sóc và hỗ trợ các thế hệ tiếp theo của gia đình, chuyển giao trách nhiệm quản lý cho thế hệ mới và lùi về sau làm cố vấn.

Có thể là trở nên gắn bó sâu sắc hơn với một hoạt động xã hội hay tâm linh nào đó.

You Might Also Like

No Comments

Leave a Reply